Với rất nhiều người đang niềng răng, đặc biệt là niềng mắc cài, chúng tôi thường nhận được phản ánh rằng các vết loét xuất hiện trên niêm mạc miệng khiến họ khó chịu. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu lý do tại sao bạn bị loét miệng khi niềng răng và cách để giải quyết tình trạng này.
Mục lục
- Tại sao niềng răng lại gây viêm loét miệng?
- Các triệu chứng của bệnh loét miệng
- Chữa loét miệng khi niềng răng bằng cách nào?
- 1. Sử dụng sáp chỉnh nha
- 2. Điều trị loét miệng bằng thuốc
- 3. Khử trùng vết loét miệng
- 4. Đánh răng và vệ sinh răng miệng thường xuyên
- 5. Điều chỉnh các dụng cụ niềng răng khi chúng không chắc chắn
- 6. Dùng trà túi lọc để giảm loét miệng
- 7. Sử dụng các lớp phủ silicone chỉnh nha
- 8. Giữ độ ẩm trong khoang miệng
- 9. Các thực phẩm cần tránh khi bị loét miệng do niềng răng
Tại sao niềng răng lại gây viêm loét miệng?
Mặc dù có nhiều nguyên nhân có thể gây ra loét miệng, nhưng khả năng cao là các khí cụ niềng răng của bạn có thể gây ra chúng, đặc biệt nếu bạn đang trong thời gian đầu điều trị.
Khi niềng răng, bạn được yêu cầu đeo các khí cụ như mắc cài, khay niềng… tùy vào từng trường hợp cụ thể. Các vật thể lạ này xuất hiện trong khoang miệng, cọ xát với phần mềm bên trong miệng như nướu, má trong, môi trong của bạn, đặc biệt là khi răng miệng phải hoạt động nhiều như lúc ăn, nhai, nói…
Đọc thêm: Dây cung đâm vào má phải xử lý thế nào?
Tình trạng cọ xát này nếu không được khắc phục, sẽ làm tổn thương vùng niêm mạc miệng tạo ra các vết loét nhỏ. Các vết loét này sẽ loang rộng ra nếu ma sát càng nhiều với dụng cụ niềng răng và có sự góp mặt của vi khuẩn có hại. Cảm giác mà viêm loét miệng gây ra rất khó chịu và đau đớn, đặc biệt là khi ăn uống các loại thức ăn có vị mặn, chua, cay…
Một số điều kiện khác cũng có thể là nguyên nhân gây ra loét miệng bạn cần chú ý:
- Loét miệng do thay đổi nội tiết tố trong thời gian có kinh nguyệt
- Loét miệng do căng thẳng, stress, thiếu ngủ
- Loét miệng do chấn thương, va đập bởi tai nạn, chơi thể thao hoặc do bạn vô tình tự cắn vào phần mềm trong khoang miệng
- Loét miệng do cơ thể đang thiếu vitamin C và B
- Loét miệng do phản ứng với kem đánh răng và nước súc miệng có natri lauryl sulfate
- Loét miệng do nhiễm vi khuẩn helicobacter pylori…, nhiễm virus Herpes, nhiễm nấm candida
- Loét miệng do ăn nhiều đồ ăn gây kích ứng như đồ cay, đồ chua
Các triệu chứng của bệnh loét miệng
Vết loét miệng thường sưng to, tròn, có màu trắng, xám, vàng và viền bao quanh màu đỏ. Vết loét có thể xuất hiện trên phần má trong, môi trong, nướu, lưỡi, vòm miệng gây đau bên trong miệng. Nếu bạn niềng răng mắc cài mặt ngoài thì bạn sẽ hay bị nhiệt miệng ở phần trong má và môi. Nếu niềng răng mắc cài mặt trong, bạn sẽ hay bị loét miệng ở lưỡi. Những người áp dụng phương pháp niềng răng trong suốt thì thường ít gặp vấn đề về răng miệng hơn, kể cả tình trạng loét miệng. Bởi các khay niềng trong suốt ôm trọn hàm răng, không có rìa cạnh sắc nên không làm tổn thương các phần mô mềm trong miệng.
Các vết loét miệng thường khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi ăn uống hoặc giao tiếp. Chỉ cần cử động miệng nhẹ nhàng nhưng cơn đau khá khó chịu.
Thông thường, tình trạng loét miệng sẽ diễn ra trong khoảng 5 – 7 ngày và kết thúc nếu được điều trị và chăm sóc răng miệng phù hợp. Một số trường hợp bị loét miệng nặng có gây sốt nhẹ và cơ thể mệt mỏi.
Loét miệng rất hiếm khi kéo dài quá 2 tuần, nếu gặp tình trạng này, bạn nên tới phòng khám nha để kiểm tra rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Chữa loét miệng khi niềng răng bằng cách nào?
Có một số biện pháp bạn có thể làm trong thời gian này để giúp giảm bớt sự khó chịu của vết loét miệng.
1. Sử dụng sáp chỉnh nha
Mặc dù cách này không tự điều trị vết loét, nhưng sáp chỉnh nha được thiết kế để làm dịu và bảo vệ chống lại sự khó chịu khi niềng răng, giảm ma sát giữa dụng cụ niềng răng lên vết loét giúp giảm đi cảm giác đau rát và xót khi bị loét miệng.
Sáp chỉnh nha thường được cung cấp tại hầu hết các hiệu thuốc cũng như phòng khám bác sĩ chỉnh nha, chỉ cần làm theo hướng dẫn trên bao bì, thoa một lớp nhỏ sáp lên vết loét và sáp sẽ hoạt động như một hàng rào vật lý bảo vệ giúp ngăn ngừa kích ứng.
Sáp chỉnh nha rất an toàn, bạn không cần lo lắng khi bôi sáp lên vết thương hở như vùng niêm mạc miệng đang bị loét.
2. Điều trị loét miệng bằng thuốc
Ngoài ra, bạn có thể chữa loét miệng do niềng răng gây ra bằng cách mua các loại thuốc đặc trị loét miệng tại các hiệu thuốc. Các loại thuốc này thuộc danh mục thuốc điều trị không kê đơn, chúng có hiệu quả làm ngưng quá trình lở loét, làm khô miệng vết thương và vết loét sẽ lành lại. Có nhiều dạng thuốc trị loét miệng không kê đơn như nước súc miệng, gel, chất lỏng và thuốc xịt, bạn có thể gặp dược sĩ và nhờ họ tư vấn chi tiết.
Một số loại thuốc giảm đau, chống viêm cũng có thể được chỉ định sử dụng bởi bác sĩ nếu như tình trạng loét miệng khá nghiêm trọng; Aspirin, Acetaminophen và Ibuprofen là một số loại thuốc giảm đau phổ biến có tác dụng chống viêm và có thể làm cho vết loét mau lành hơn.
Đọc thêm: Hướng dẫn xử lý trong trường hợp mắc cài bị bung tuột
3. Khử trùng vết loét miệng
Vi khuẩn có cách gây ra và lây nhiễm các vết loét để làm cho chúng đau đớn hơn. Có nhiều cách khác nhau để khử trùng vết loét bao gồm rửa sạch bằng nước muối loãng hoặc nước muối sinh lý. Mặc dù khi dùng nước muối súc miệng sẽ khiến bạn đau điếng lúc ban đầu, tuy nhiên đây là một cách tuyệt vời để điều trị loét miệng.
Trên thị trường cũng có rất nhiều loại nước súc miệng trị nhiệt miệng, loét miệng hiệu quả. Bạn nên tham khảo kỹ thành phần của các sản phẩm trước khi sử dụng.
Súc miệng 2 – 3 lần/ngày bằng nước muối hoặc nước súc miệng không chỉ điều trị loét miệng hiệu quả mà còn khiến khoang miệng của bạn luôn sạch sẽ, vi khuẩn không thể tồn tại và phát triển gây viêm nhiễm được.
4. Đánh răng và vệ sinh răng miệng thường xuyên
Đánh răng thường xuyên là thói quen cần chúng ta thực hiện hàng ngày. Điều này càng quan trọng hơn với người niềng răng. Việc chăm sóc vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng của người đang niềng răng lại càng cần kỹ lưỡng hơn nhiều. Sở dĩ như vậy bởi vì, khi đeo niềng răng, thức ăn rất dễ dàng mắc lại trên các khe kẽ giữa các răng hoặc giữa răng và mắc cài. Nếu để lâu các mẩu thức ăn này sẽ hình thành nên các mảng bám và là nơi chất chứa vi khuẩn, là tác nhân gây ra các vết loét niêm mạc miệng và khiến chúng trầm trọng hơn.
Lưu ý khi chải răng, bạn không nên cọ mặt chải trực tiếp lên vết loét sẽ gây đau và làm tổn thương vùng niêm mạc bị loét, khiến vết thương lâu lành lại.
5. Điều chỉnh các dụng cụ niềng răng khi chúng không chắc chắn
Niềng răng có thể bị lỏng lẻo sau một thời gian đeo do tác động va chạm khi ăn uống hoặc ngoại lực. Một số trường hợp đầu nhọn của dây cung hoặc hạt mắc cài bị bật ra, chọc vào phần mềm của khoang miệng. Điều này có thể dẫn đến việc niềng răng của bạn gây kích ứng bên trong miệng của bạn, làm tăng thêm sự khó chịu của bạn bằng cách gây ra loét miệng.
Khi niềng răng mắc cài, phần dây buộc nếu không được xử lý khéo cũng có thể làm xước xát vùng niêm mạc tiếp xúc.
Vì vậy, khi có bất kỳ vấn đề gì phát sinh với mắc cài của bạn, hãy liên hệ với bác sĩ chỉnh nha của bạn ngay lập tức để được chỉnh sửa chữa kịp thời.
Bên cạnh việc sửa chữa mắc cài, bác sĩ chỉnh nha sẽ giúp bôi sáp nha khoa và hướng dẫn bạn điều trị, phòng ngừa các vết loét trong miệng. Vì vậy, hãy đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ của bạn.
6. Dùng trà túi lọc để giảm loét miệng
Hãy ngâm trà túi lọc trong một cốc nước ấm và đặt trực tiếp lên phần đang bị loét của miệng. Túi trà sẽ giúp giảm viêm viêm và trà cũng có đặc tính khử trùng khiến cảm giác đau do loét miệng dịu đi rất nhiều.
7. Sử dụng các lớp phủ silicone chỉnh nha
Những lớp phủ này có tác dụng tương tự như sáp chỉnh nha. Các nắp silicon chỉnh nha giúp ngăn che sự tiếp xúc của môi, má trong với các dụng cụ niềng răng. Vì silicon không bị phân hủy như sáp, điều này giúp chúng bao phủ vết loét được lâu hơn và giảm cảm giác đau do loét miệng rõ rệt.
8. Giữ độ ẩm trong khoang miệng
Nước bọt có tác dụng sát trùng hiệu quả, giúp giảm viêm loét miệng khi niềng răng. Tuy nhiên, đôi khi miệng của bạn bị khô, ít tiết nước bọt dẫn đến nhiều nguy cơ cho răng miệng như sâu răng, viêm nướu, hôi miệng và làm các vết loét trở nặng hơn.
Hãy uống nhiều nước, nhấp các ngụm nhỏ thường xuyên để miệng của bạn luôn giữ được độ ẩm cần thiết.
9. Các thực phẩm cần tránh khi bị loét miệng do niềng răng
- Vết loét có thể bị kích ứng bởi thức ăn cay và thức ăn có tính axit. Bạn nên tránh những loại thực phẩm này càng nhiều càng tốt.
- Bạn có thể cảm thấy đau rát ở vết loét hơn khi sử dụng các loại đồ uống có ga như sô-đa, nước ngọt…
- Bạn nên ăn nhạt hơn khi đang bị loét miệng, bởi chúng không gây kích ứng như các loại thức ăn mặn.
- Các loại thức ăn mang lại cảm giác dịu mát như sữa chua, hoa quả khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Sữa chua có đặc tính probiotic và nó giúp cơ thể chống lại mọi bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây loét. Các loại hoa quả giàu vitamin C, rau xanh không chứa hàm lượng axit cao như đu đủ, kiwi, khoai lang, súp lơ… giúp bổ sung lượng vitamin, khoáng chất cần thiết, khiến vết loét mau lành lại.
- Nếu tình trạng viêm loét miệng nghiêm trọng, bạn có thể chế biến thức ăn mềm, lỏng, dễ ăn và lưu ý để nguội bớt khi ăn để tránh kích ứng vết loét.
- Ngoài ra, khi đeo niềng răng, bạn lưu ý tránh các đồ ăn quá cứng, quá dai hoặc có thể gây dính răng hoặc giắt lại trên mắc cài.
- Đồ ăn, đồ uống chứa nhiều đường cũng không tốt cho răng miệng bởi chúng tạo ra môi trường ưa thích cho vi khuẩn sinh sôi, hoạt động, khiến vết loét miệng lan rộng hơn.
Loét miệng khi đang niềng răng có thể gây đau đớn nhưng không gây ảnh hưởng quá xấu đến sức khỏe của bạn. Hãy thử thực hiện các phương pháp mà chúng tôi đã đưa ra trong bài viết này. Nếu những giải pháp trên không cải thiện tình trạng của bạn, hãy liên hệ với bác sĩ chỉnh nha và bác sĩ khám nha của bạn để điều trị dứt điểm tình trạng này, phục hồi phần niêm mạc bị loét giúp bạn yên tâm, thoải mái hơn khi đeo niềng răng.